Với học sinh, thật hiếm có một môn học nào thú vị và bổ ích như học lập trình (coding). Đam mê và hứng thú như chơi game, bổ ích và mang nhiều giá trị với vai trò một môn học nền tảng mới, đặc biệt phù hợp với xu hướng công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
“Cần nghiên cứu đưa lập trình thành môn học bắt buộc ở cấp phổ thông. Thế giới ngày nay, mỗi người cần phải biết 3 ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ để giữ gìn văn hoá truyền thống, giữ cái gốc, cái nền; tiếng Anh để hội nhập quốc tế; ngôn ngữ lập trình để giao tiếp người với máy đó là cơ sở giúp hiểu rõ và làm chủ thế giới công nghệ”. Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 vào sáng ngày 31/10/2020.
Trên thế giới, trẻ em được học lập trình như thế nào?
Trong những năm vừa qua, phụ huynh Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc đang có xu hướng xem học lập trình như một kỹ năng sống cần thiết phải chuẩn bị cho tương lai các con của họ. Không chỉ còn những lựa chọn piano, múa ballet, học làm giàu,... giờ đây ngày càng nhiều trẻ em được đăng ký tham gia vào các lớp học lập trình. Nguyên do là vì bố mẹ chúng nhìn thấy giá trị của việc sớm làm quen với ngôn ngữ lập trình, qua đó rèn luyện tư duy logic, đồng thời thấu hiểu thế giới công nghệ nhiều hơn giúp chúng tận dụng được sức mạnh nền tảng đó vào học tập cũng như công việc trong tương lai.
Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa môn học lập trình vào chương trình giảng dạy tiểu học. Trẻ em từ 5 tuổi ở Anh khi đến trường sẽ học viết các đoạn mã chương trình. Khác với lập trình dành cho người lớn với những thuật ngữ phức tạp, ngôn ngữ lập trình cho trẻ em được xây dựng đơn giản hơn rất nhiều bằng các công cụ thân thiện phù hợp với lứa tuổi và gắn liền với các môn học quen thuộc.
Từ tháng 4/2020, Nhật Bản chính thức đưa "Lập trình máy tính" trở thành môn học bắt buộc tại các trường phổ thông, trong đó các môn lập trình cơ bản sẽ được dạy từ lớp 5.
Ở Mỹ và châu Âu, lập trình đã được giảng dạy cho học sinh từ cấp 2 trở lên. Với Đan Mạch, học sinh dù mới học ở bậc tiểu học nhưng cũng đã được học lập trình. Nhiều nhà giáo dục tại nước này cho rằng, trong tương lai khi robot có thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực thì thế hệ trẻ hôm nay phải có đủ khả năng làm chủ những con robot đó.
Tại Việt Nam, trẻ em được học lập trình như thế nào?
Để bắt kịp xu thế trên thế giới, tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong chương trình Giáo dục phổ thông mới, lập trình hiện là một phần trong chương trình của môn Tin học và Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc dạy từ lớp 3 đến lớp 12 (trong chương trình hiện hành là môn tự chọn).
Lập trình, lập trình điều khiển robot với trẻ em đã không còn xa lạ với các phụ huynh. Phong trào học lập trình xuất hiện ngày càng nhiều ở khắp mọi nơi, từ các trường công lập đến các các đơn vị đào tạo tư nhân, từ các thành phố lớn đến miền nông thôn.
Mục đích của cuốn sách
Cuốn sách Coding 4 nằm trong bộ sách Coding từ lớp 1 đến lớp 12, được VIETSTEM đầu tư nghiên cứu và biên soạn với mong muốn mang lập trình đến mọi học sinh Việt Nam, góp phần xây dựng một thế hệ học sinh mới yêu công nghệ.
Giúp giáo viên và học sinh dễ dàng trong việc triển khai dạy và học lập trình (coding) tương ứng và phù hợp với từng cấp học.
Nội dung của cuốn sách
Cuốn sách Coding 4 lập trình với Scratch 3 bao gồm 06 chương, cung cấp những kiến thức tiếp theo về lập trình như: vòng lặp hữu hạn, khái niệm về biến, cấu trúc điều kiện, … thông qua ngôn ngữ lập trình Scratch 3. Từng chương trong cuốn sách Coding 4 sẽ giúp trẻ xây dựng lên các phần mềm phù hợp với lứa tuổi và gần gũi với các môn học khác như: Bản nhạc “Đàn gà con”, Câu chuyện “Gà trống và Cáo”, Di sản thế giới, Vòng tay tặng mẹ, Hứng xu, Trận chiến trên sông Bạch Đằng.
Để có thêm thông tin hỗ trợ, tài liệu, bản mềm các ví dụ trong sách, các bạn có thể truy cập vào mục hỗ trợ và download tài liệu trên website: https://vietstem.com/.
Đối tượng sử dụng sách
Học sinh lớp 4: Cần có sự hỗ trợ của phụ huynh.
Giáo viên tin học: Sử dụng làm tài liệu tham khảo.
Cảm ơn
Chúng tôi muốn cảm ơn những người sáng tạo ra Scratch – Nhóm Lifelong Kindergarten tại MIT (Massachusetts Institute of Technology) Media Lab do Giáo sư Mitch Resnick đứng đầu, họ đã tạo ra một cách thức tuyệt vời để dạy học sinh học lập trình, nền tảng kiến thức cơ bản trong kỷ nguyên mới (https://scratch.mit.edu).
Luôn mong muốn mang đến những giá trị tốt nhất cho cộng đồng, tuy nhiên trong quá trình biên soạn chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót nhất định, chúng tôi mong nhận được những ý kiến đóng góp để hoàn thiện cuốn sách trong những lần tái bản tiếp theo.
Xin chân thành cảm ơn!